Lịch sử Cầu Giát

Theo sử sách, trung tâm huyện Quỳnh Lưu thời Lý - Trần - Lê được đặt ở làng Vân Tụ (nay thuộc các xã Quỳnh Văn, Quỳnh Xuân).

Đời Lê Kính Tông (1600 - 1619), huyện lỵ dời về Bào Hậu (nay là xã Quỳnh Hậu).

Năm 1800, huyện lỵ dời về làng Tiên Yên (nay thuộc xã Quỳnh Bá). Cầu Giát lúc này chỉ có Quán Thầu Đâu, nằm trên đường thiên lý (đường quan). Đường thiên lý từ Thăng Long đi vào, qua khe nước lạnh Hoàng Mai, vào cung đất đỏ Quán Bèo (Bào Hậu) đến quán Thầu Đâu, rẽ xuống Tiên Yên, vòng qua sông Huống lên cung Quán Bánh và đi vào Diễn Châu.

Đến đầu thời Nguyễn, đường thiên lý được uốn lại, qua cầu sông Giát vào thẳng Đăng Cao (Quán Bánh), lúc đó phố Cầu Giát mới được hình thành và được gọi là Quán Giát.

Năm 1938, huyện lỵ Quỳnh Lưu chuyển từ Tiên Yên về Cầu Giát, hình thành các khối dân cư Cầu Giát thượng phố.

Đến năm 1945, Cầu Giát trở thành một đơn vị hành chính riêng biệt, người dân quen gọi là Phố Giát.

Năm 1953, thị trấn Cầu Giát được thành lập trên cơ sở một phần diện tích và dân số của các xã Quỳnh Hồng và Quỳnh Mỹ.

Ngày ngày 12 tháng 5 năm 2010, theo Nghị quyết 24/NQ-CP, thị trấn Cầu Giát được mở rộng trên cơ sở điều chỉnh 167 ha diện tích tự nhiên và 2.890 nhân khẩu của xã Quỳnh Mỹ vào thị trấn Cầu Giát quản lý. Theo đó, sáp nhập thêm 4 xóm của xã Quỳnh Mỹ để thành lập mới các khối 9, 10, 11, 12.